29 tháng 10, 2012

Bài viết của thầy Lê Văn Phê


Quả ngọt!

Hai giờ chiều trời đang nắng gắt, tôi lầm lũi đẩy chiếc xe máy thủng săm đi đã non cây số mà vẫn chưa tìm thấy tiệm sửa xe nào. Miền quê yên tĩnh, con đường Suối Nho về Long Khánh đã nhựa hóa mấy năm rồi, nhưng đoạn này quán xá lại thưa thớt.
Đi thêm một đoạn, tôi bắt gặp một tiệm bán phụ tùng xe.



- Thay săm không anh? tôi hỏi.
- Chỉ bán săm thôi – người đàn ông trạc 40 tuổi trả lời.
- Đoạn này sao không thấy ai sửa xe… – tôi vừa cười vừa nói mong anh ta sẽ thay săm cho.

Người đàn ông chăm chú nhìn tôi, mặt bỗng giãn ra.

- Thầy… thầy Tuấn phải không ạ?
- Đúng …tôi là Tuấn… tôi ở Long Khánh. Xuân Bắc cách Long Khánh khá xa, học sinh thường học ở trường Điểu Cải.
- Em là “Trung cá biệt” nè thầy…

Một thoáng ngỡ ngàng
- “Trung cá biệt” lớp B11 phải không ?
-  Dạ, đúng rồi thầy. Trung nắm chặt tay tôi.

Quay vào trong Trung gọi to:  Em ơi!

Một phụ nữ tầm thước bước ra chào tôi.

Trung nói như hãnh diện
- Đây là thầy giáo cũ của anh!
- Còn đây là vợ em, giáo viên tiểu học.
- Nam đâu rồi?  Một đứa bé trạc chừng mười bốn mười lăm tuổi có cặp mắt sáng rụt rè bước ra.
- Cháu Nam, con trai lớn của em. Năm nay cháu học lớp Chín.
- Thôi, Thầy ở chơi với em một chút. Lâu quá em không gặp Thầy!

Vợ Trung quay vào bếp. Thằng Nam đánh trần ra thay săm xe cho tôi.

Trung dẫn tôi vào phòng khách...

****

Năm 1991, tôi được điều về chủ nhiệm lớp 12B11 và dạy Hóa lớp này thay thế cho thầy chủ nhiệm cũ chuyển sang làm việc khác.

Đó là ngày thứ 5, tôi có tiết dạy đầu tiên ở lớp. Vào bài được khoảng 15 phút, lúc tôi vừa quay lên bảng bỗng nghe tiếng cười phía dưới. Quay lại, tôi thoáng thấy bóng người thoát ra cửa sổ.

Tôi hỏi lớp trưởng chuyện gì đã xảy ra thì được báo cáo là bạn Trung vừa ra ngoài, tôi ghi tên vào sổ đầu bài và tiếp tục bài giảng. Thứ bảy, đến giờ sinh hoạt đương nhiên tôi phê bình Trung và yêu cầu em làm bản kiểm điểm. Cuối giờ họp ban cán sự lớp, tôi được báo cáo việc Trung “bay qua cửa sổ” trong giờ học là chuyện thường. Lớp có nhắc nhở nhưng bạn ấy vẫn thế.

Phải đến cuối tuần sau Trung mới nhờ bạn nộp bản kiểm điểm còn mình thì nghỉ học. Vậy là trong giờ sinh hoạt lớp tôi nghiêm khắc phê bình lớp yếu kém về nề nếp, gọi Trung là học sinh cá biệt cần phải chú ý giám sát. Thế là từ đó cái tên “Trung cá biệt” xuất hiện trong lớp B11.

Tháng đó tôi xếp Trung hạnh kiểm yếu, cảnh cáo nếu không tiến bộ thì có khả năng bị cấm thi tốt nghiệp đồng thời mời phụ huynh đến trường gặp tôi.

Qua lần gặp phụ huynh tôi mới biết gia đình Trung nghèo lắm, nhà ở tận Xuân Bắc rất xa trường. Trung một buổi đi học, một buổi phụ sửa xe ở tiệm xe máy đường Hùng Vương, gia chủ bao ăn ở. Sau lần gặp đó, tôi không làm căng với Trung nữa, lấy cớ sửa xe tôi đến tiệm quan sát để tìm hiểu thêm về cậu học trò cá biệt của lớp mình.

Gặp tôi, Trung hơi ngạc nhiên và có vẻ tránh né, tôi chủ động gần gũi nói chuyện riêng với em. Qua câu chuyện tôi mới biết những lần em nhảy cửa sổ là những lúc phải về sửa xe cho kịp thời hạn giao cho khách mà không dám nghỉ học vì sợ cấm thi. Nhìn bàn tay lấm lem dầu mỡ, gương mặt rắn rỏi với làn da nâu nổi bật cặp mắt đầy nghị lực của em tôi bỗng thấy như mình có lỗi.

Từ đó, tôi không xem Trung là học sinh cá biệt nữa và Trung cũng chấm dứt hẳn việc nhảy qua cửa sổ tuy thỉnh thoảng vẫn còn vắng học nhưng biệt danh thì đã gắn với tên em.

Năm đó Trung đậu tốt nghiệp. Em đến chào tôi và quyết định ngừng học về nhà theo nghề sửa xe. Thế là tôi không gặp em nữa, vậy mà ngẫu nhiên chiều nay…

***
Đồng quê gió chiều mát rượi, khung cảnh thật yên bình. Tôi đã có một buổi chiều thật đẹp... Niềm vui đến cũng thật tình cờ, như chiều nay tôi đã được thưởng thức “ quả ngọt” – một vị ngọt bình dị nhưng thật đậm đà của những người làm nghề dạy học như tôi.
 
Lê Văn Phê (cựu học sinh THPT Long Khánh)


Xuân Hồng - 12a13 - trường Long Khánh 22/10/2012 18:31

Ôi thầy Phê, trò nhớ Thầy quá, Thầy là giáo viên dạy giỏi Hóa của trường Long Khánh, em chưa bao giờ đạt trên 5 điểm Hóa niên khóa 2001, vậy mà nhờ Thầy hướng dẫn tận tình mà có bài kiểm tra 15 phút được 10 điểm và mừng nhất là chữ nhận xét "chúc mừng Xuân Hồng" đỏ rực tờ kiểm tra. Thầy khỏe không Thầy? Chúc Thầy vui khỏe thật nhiều.

Hoàng Long 23/10/2012 07:11

Em chuyển bài của thày tham gia cuộc thi "kỷ niệm học trò" mà chưa xin phép thày. Mong thày thông cảm bỏ qua, các bạn em vui lắm, khi bài của thày được BBT Báo Người Lao Động chọn đăng. Kính chúc thày sức khỏe Thày hiệu phó của chúng em. Kính thầy.

Thày Phê ơi. Em đã gửi bài viết của thày tham gia cuộc thi "Kỷ niệm học trò" mà chưa hỏi qua ý kiến thày, mong thày thông cảm. bọn em khi đọc bài của thày được báo Người lao động chọn đăng thì vui rất nhiều. Chúc thày sức khỏe Người thầy hiệu phó của chúng em Hoàng Long

Đinh Kim Tuấn 23/10/2012 22:51

Nhớ các thầy cô và các cựu học sinh Long Khánh rất nhiều. Hy vọng dịp 20-11 năm nay, tụi em có dịp được gặp lại thầy và các thầy cô Trường THPT Long Khánh. Dù đi đâu, làm gì, tụi em cũng tự hào mình là cựu học sinh của trường!


Bài viết trên báo Người Lao Động (http://nld.com.vn/20121022011242828p1017c1285/qua-ngot.htm).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét